Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

NHỮNG NGƯỜI THẦY TRONG TÔI


NHỮNG NGƯỜI THẦY TRONG TÔI
Nguyễn Đức Minh
“Thầy, cô giáo – mỗi người là một tấm gương tự học và sáng tạo”. Đối với bản thân tôi, mỗi giáo viên vùng cao của Ninh Thuận, với lòng yêu nghề, sự hy sinh, sự nỗ lực để phấn đấu và hết lòng vì học sinh thân yêu, là những tấm gương đáng trân trọng và học tập.
Chuyện kể của các thầy cô giáo trường TH Phước Kháng (huyện Thuận Bắc) ở những năm đầu lập trường, các thầy cô phải bám trường, bám bản là hằng hà những câu chuyện dài kỳ. Thầy hiệu trưởng Hồ Hữu Pha vẫn còn nhớ như in những ngày đầu các giáo viên phải ở lại trường, sáng sớm đến từng nhà, gọi từng cửa vận động phụ huynh cho con em đến lớp trong sương mù lạnh lẽo, dày đặc. Có những gia đình phải vận động nhiều ngày mới thay đổi được suy nghĩ cố hữu của người dân vùng cao và đôi khi phải chấp nhận sự phản ứng của những người không muốn cho con em đi học. Mùa lũ đến, cô trò lại dắt díu, nắm tay nhau vượt những đoạn suối sâu đến lớp. Ngại nhất vẫn là những đêm các cô giáo phải trú lại trường vì đường về xuôi đã ngập chìm trong lũ. 5 ngày ,6 ngày, thậm chí cả tuần lễ chỉ với bộ quần áo. Phần lo cho học trò đi học ướt át, phần nao nao vì xa gia đình và con nhỏ. Nhưng trong tâm khảm của các thầy cô, đã đến với nghề, phải đảm bảo làm sao để các em được học lấy chữ, được truyền thụ văn hóa mà vượt lên đói nghèo, vươn tới những ước mơ. Và rồi giờ đây bằng những kỳ tích mà tập thể giáo viên của trường đã lập nên, Phước Kháng có được một ngôi trường tiểu học với những mô hình học tập tiến bộ, sáng tạo, khoa học, 100% các em đến tuổi đi học của xã đều đã ra lớp. Hình ảnh phụ huynh tranh thủ giờ giải lao trên rẫy để mang đến cho con em mình những củ khoai, quả bắp luộc để các em vững dạ, yên tâm theo học tại trường đã nói lên được sự thay đổi trong nếp nghĩ của người dân nơi đây. Để có được điều đó, ít ai biết những khó khăn của các thầy cô trong từng bước đường gieo chữ, những khát vọng và ước mơ của những người thầy đầu tiên khi đặt chân lên vùng đất này, nay đã thành hiện thực. Và quà cho tình yêu nghề chính là hình ảnh lớp lớp những đàn em nhỏ chăm ngoan học hành, những đóa hoa rừng của các trò tặng lại, với những tiếng gọi thầy cô trìu mến và đầy yêu thương, kính trọng trong ánh mắt, nụ cười của các em.

“Một chữ nên thầy – Một ngày nên nghĩa”, biết ơn thầy cô giáo, những người đã truyền thụ kiến thức cho mình là điều mà học trò nào cũng nên ghi nhớ trong lòng. Nhưng câu chuyện về món quà ngày 20 của thầy Đạo Văn Chi (Hiệu trưởng trường TH Phước Trung B, huyện Bác Ái) là một câu chuyện hiếm có và cảm động mà tôi sẽ không bao giờ quên. Năm đó, vì thương cậu học trò nghèo nơi vùng cao, thầy Chi đã dắt em về nhà mình cùng ăn cơm để em đỡ đói lòng mà đến trường cùng chúng bạn. Ngày qua, cậu học trò nhỏ năm nào, giờ cũng đã trưởng thành, vì lòng khâm phục, sự biết ơn và kính trọng người thầy cũ, cậu theo học và tốt nghiệp ngành sư phạm, mang trong mình ước mơ được phục vụ quê hương Bác Ái kiên trung. Một ngày 20-11 nọ, khi đã là một giáo viên, cậu học trò cũ mang trên vai 1 gùi bắp đến nhà thầy Chi, tặng lại người thầy mến yêu của mình. Cậu nói: – “Chính nhờ gùi bắp này mà thầy đã nuôi con khôn lớn và có được ngày hôm nay”. Trong tôi như mường tượng ra sự xúc động không thể diễn tả bằng lời của khoảnh khắc ấy và nét rưng rưng, trìu mến hiện lên trong đôi mắt của cả người thầy tận tâm, biết yêu thương, chia sẻ cũng như người trò mang nặng nghĩa, nặng tình.
Cách đây vài hôm, trò chuyện cùng một cô giáo tiểu học vừa nhận việc được tròn tháng ở “thành phố” Ma Nới xa xôi (các giáo viên nơi đây gọi đùa xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn là thành phố), tôi nhận ra sự tươi trẻ, nhiệt huyết của một thanh niên vừa ra trường với bao ước mơ và kỳ vọng. Tôi thật không dám kể cho cô giáo trẻ nghe về những đêm mưa Ma Nới rầu rĩ với nỗi nhớ nhà chơi vơi. Hay những ngày mùa khô hết chổng hết chơ nước trong những lu vại, các thầy cô phải ra suối đào hố tụ nước và chắt chiu từng giọt cho sinh hoạt thường ngày chứ chưa nói đến những khi nước mưa trên núi chảy về, suối đục ngầu, phải ăn uống, tắm rửa với nước pha phèn và đất… Câu chuyện của chúng tôi vui hơn khi kể về những buổi bình minh lên sớm với lời chào của các em nhỏ trên đường lên lớp, hay bên lưng đồi chú chim rừng đã ríu rít trong lùm cây mà những tia nắng đầu tiên đã xiên xiên chiếu rọi, và “chợ tình” vùng cao Ma Nới đặc biệt ngày 24 thú vị, đông vui.
Tuổi trẻ là vậy, tình yêu nghề là vậy. Và tôi biết rằng trên khắp quê hương Ninh Thuận, dù vùng biển Ninh Hải, Thuận Nam hay miền núi Ninh Sơn, Bác Ái… đâu đâu cũng luôn có những người thầy, người cô tận tụy với nghề, yêu thương hết lòng vì học trò. Và trong thâm tâm mỗi người học sinh luôn có hình ảnh về người giáo viên mà mình yêu mến, kính trọng mà dầu mai này có đi đến nơi nào của Đất nước thì những kiến thức, những lời dạy được truyền thụ lại chính là hành trang để các em bước vào đời.
 Các thầy giáo trường Tiểu học Phước Đại A (Bác Ái) xây dựng thư viện xanh cho học sinh trong chiến dịch tình nguyện hè 2012.


2 nhận xét:

  1. "“Một chữ nên thầy – Một ngày nên nghĩa”, biết ơn thầy cô giáo, những người đã truyền thụ kiến thức cho mình là điều mà học trò nào cũng nên ghi nhớ trong lòng". Một bài tản văn đầy chất ký sự, sinh động ấm áp tình nghĩa thầy trò, đọc rất đáng yêu. Trân trọng lắm những tấm lòng thầy giáo, cô giáo những vùng cao gian khó như thế.
    "Và trong thâm tâm mỗi người học sinh luôn có hình ảnh về người giáo viên mà mình yêu mến, kính trọng mà dầu mai này có đi đến nơi nào của Đất nước thì những kiến thức, những lời dạy được truyền thụ lại chính là hành trang để các em bước vào đời". Đó là cái kết rất hay Đức Minh à! Chúc mừng em nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hihi! Cảm ơn anh đã động viên nhé. em đã - đang và sẽ cố gắng lắm lắm đây ạ!

      Xóa